Vị trí địa lý Vị trí địa lý Phú Thọ

Phú Thọ là một tỉnh thuộc vùng Đông Bắc Bộ, Việt Nam. Năm 2018, Phú Thọ là đơn vị hành chính Việt Nam đông thứ 21 về số dân, xếp thứ 35 về Tổng sản phẩm trên địa bàn, xếp thứ 46 về GRDP bình quân đầu người, đứng thứ 23 về tốc độ tăng trưởng GRDP.

Tỉnh lỵ: Thành phố Việt Trì
Dân tộc: Kinh, Mường, Dao, Sán Chay
Biển số xe: 19
Dân số: 1,62 triệu (2019)

Danh lam thắng cảnh Danh lam thắng cảnh Phú Thọ

1.Đền Hùng

Đền Hùng là tên gọi khái quát của Khu di tích lịch sử Đền Hùng – quần thể đền chùa thờ phụng các Vua Hùng và tôn thất của nhà vua trên núi Nghĩa Lĩnh, gắn với Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng được tổ chức tại địa điểm đó hàng năm vào ngày 10 tháng 3 âm lịch. Hiện nay, theo các tài liệu khoa học đã công bố đa số đều thống nhất nền móng kiến trúc đền Hùng bắt đầu được xây dựng từ thời vua Đinh Tiên Hoàng trị vì. Đến thời Hậu Lê (thế kỷ 15) được xây dựng hoàn chỉnh theo quy mô như hiện tại.

2.Đền Quốc Tổ Lạc Long Quân

Đền Quốc tổ Lạc Long Quân được xây dựng tại đồi Sim, cách núi Nghĩa Lĩnh khoảng 1 km, nơi có vị trí đắc địa, có thế “sơn chầu thuỷ tụ”. Đồi Sim có hình thế giống một con rùa lớn, hai bên có Thanh Long, Bạch Hổ, phía trước là hồ Hóc Trai và sông Hồng chảy xuôi về biển. Ngôi đền tọa lạc trên lưng rùa biểu hiện sự linh thiêng huyền diệu.

Đền chính có diện tích 210m2, kiến trúc kiểu chữ đinh truyền thống, nội thất bằng gỗ lim, sơn son thếp vàng, mái lợp ngói mũi hài, nền lát gạch Bát Tràng, bó vỉa đá xanh. Hậu cung đặt tượng thờ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân dáng vẻ uy nghiêm. Tượng được đúc bằng đồng, nặng 1,5 tấn, cao 1,98m ở tư thế ngồi trên ngai, đặt trên bệ đá chạm khắc hoa văn theo mô típ văn hóa Đông Sơn. Hai bên là tượng Lạc hầu và Lạc tướng ở tư thế đứng có chiều cao 1,80m, mỗi pho nặng 0,5 tấn.

3.Bảo tàng Hùng Vương

Nằm trên đường Trần Phú, bên bờ hồ công viên Văn Lang – trung tâm của thành phố Việt Trì – Bảo tàng Hùng Vương được ví như một “cuốn sử bằng hiện vật” thu hút đông đảo du khách thập phương đến tham quan, tìm hiểu và khám phá các giá trị độc đáo, riêng có về lịch sử, văn hóa của vùng đất Tổ cội nguồn.

4.Khu du lịch Bạch Hạc – Bến Gót

Phường Bạch Hạc, phường Bến Gót nằm ở phía Nam thành phố Việt Trì, cửa ngõ nối liền giữa Phú Thọ và các tỉnh miền núi phía Tây Bắc với thủ đô Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ.

Bến Gót ngày nay thuộc phủ Tam Đới xưa, còn tồn tại rất nhiều di tích lịch sử văn hoá, các truyền thuyết, chuyện kể về quá trình dựng nước và giữ nước của ông cha ta như: “Hoa Long Thiền Tự” xưa ở bến sông Thông, cạnh chùa có một tảng đá ven sông, trên mặt còn hằn vết gót chân. Tương truyền, đây là nơi Lạc Long Quân lập đàn tế trời và đã được tiên ông từ trên trời xuống, ngồi trên tảng đá này, đặt tên, phân định anh em cho một trăm người con do Âu Cơ sinh ra, sau nơi đây buôn bán kinh doanh sầm uất, trên bến dưới thuyền mới có tên là Bến Gót, Đình Bạch Hạc còn có tên là đình thôn Việt Trì là nơi thờ các vua Hùng, Đền Lang Đài là nơi hai chàng Sơn Tinh và Thuỷ Tinh đấu võ, Miếu Hà Thần là nơi thờ thần Sông đã có công giúp vua Trần Minh Tông đánh Man Đà Giang dẹp yên bờ cõi, Đền Bạch Hạc là nơi thờ thổ lệnh có tên huý là Trần Lan và em là Thạch Khanh tên huý là Trần Bảo có phép thuật thần y, chữa được bách bệnh cho nhân dân, sau hoá thần ở Tam Thanh Quán bên bờ sông Bạch Hạc, được phong làm thần thiêng ở ngã ba sông Hạc…..

5.Thiên cổ miếu

Nằm trong địa phận của kinh đô Văn Lang xưa, đền Thiên Cổ uy nghiêm ngự trên một quả đồi nhỏ thuộc thôn Hương Lan, xã Trưng Vương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Đây là ngôi đền thờ vợ chồng thầy giáo Vũ Thê Lang, người thầy giáo đầu tiên của dân tộc đã có công dạy dỗ hai công chúa Tiên Dung – Ngọc Hoa con vua Hùng Vương thứ 18.

6.Đền Tam Giang – Chùa Đại Bi

Khu di tích lịch sử văn hóa Quốc gia đền Tam Giang, chùa Đại Bi thuộc phường Bạch Hạc, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Ngôi đền nằm bên tả ngạn nơi hợp lưu của ba dòng sông: sông Hồng, sông Lô, sông Đà mà xưa nay nhân dân vẫn quen gọi là ngã ba Hạc. Đây là một thắng cảnh đẹp của vùng đất Tổ, thu hút đông đảo du khách đến tham quan và lễ bái.

Khu di tích lịch sử văn hóa Quốc gia đền Tam Giang, chùa Đại Bi là cụm di tích hoàn chỉnh, thống nhất, gồm có: đền Tam Giang, đền Mẫu, chùa Đại Bi, vết chân Thổ lệnh Cao quan Bạch Hạc Đại Vương, bến bơi chải, tượng đài Chiêu Văn Vương Tả Thánh Thái Sư Trần Nhật Duật và bức phù điêu 18 ngôi chùa tiêu biểu của Phật Giáo Việt Nam.

Làng cổ Hùng Lô

Hùng Lô xưa là vùng đất trù phú, có lịch sử phát triển lâu đời. Đình Hùng Lô là quần thể di tích có giá trị văn hóa, lịch sử nổi bật trên vùng Đất Tổ, niên đại khoảng hơn 300 năm. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, đình vẫn bảo tồn được nguyên vẹn giá trị kiến trúc, văn hóa, lịch sử: Ngôi miếu cổ, tòa Đại đình, Long đình, nhà Tiền tế, lầu chuông, lầu trống, nhà thờ Phật, bệ thờ thần nông, nhà Văn chỉ và nhà Yến lão.

Lễ hội - sự kiện Lễ hội - Sự kiện Phú Thọ

1. Hội Đào Xá
Thời gian: 9/7 âm lịch.
Địa điểm: Xã Đào Xá, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ.
Đối tượng suy tôn: Hùng Hải Công và Tam vị Đại vương - có công giúp dân trị thủy, Quế Hoa công chúa.
Đặc điểm: Lễ cầu nước, tế xong thì hạ trải, đua thuyền đêm.

2. Hội đình Cả
Thời gian: 10 - 11/11 âm lịch.
Địa điểm: Xã Võ Lao, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ.
Đối tượng suy tôn: Thần Nông, thần Núi, thần Nước.
Đặc điểm: Rước kiệu, biểu diễn võ thuật, đánh đu, kéo co, cờ tướng, diễn chèo thâu đêm, mở đại tiệc.

3. Hội đền Mẹ Âu Cơ
Thời gian: 7/1 âm lịch.
Địa  điểm: Xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ.
Đối tượng suy tôn: Mẹ Âu Cơ.

4. Hội An Đạo
Thời gian: 19 - 20/7 âm lịch. 
Địa điểm: Xã An Đạo, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ. 
Đối tượng suy tôn: Long Xà Đại vương (Thủy thần) và út Soi Đại vương (Thần bãi sông). 
Đặc điểm: Lễ tế các thần, đua thuyền trên sông Lô. 

5. Hội Bạch Hạc
Thời gian: 3 - 5/1 âm lịch.
Địa điểm: Phường Bạch Hạc, TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.
Đối tượng suy tôn: Thổ lệnh Đại Vương.
Đặc điểm: Lễ rước thánh qua sông Lô, trò chơi thi tung còn.

6. Hội chùa Thắm
Thời gian: 5/5 âm lịch. 
Địa điểm: Xã Võ Lao, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ. 
Đối tượng suy tôn: Đức Phật, Thần Núi, Thần Nước, Thần Nông. 
Đặc điểm: Lễ dâng cúng" Bà Chúa mở cửa rừng" có oản, bánh gùn (bánh tro). 
Tham quan danh thắng: hang Bà Chúa, Giếng Ngọc, hang Bát Mắm, hang Bụt, hang Thề...     

7. Hội chọi trâu Phù Ninh
Thời gian: 12/2 âm lịch.
Địa điểm: Xã Phù Ninh, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ.
Đối tượng suy tôn: Vua Hùng và các tướng lĩnh, Thành hoàng làng.
Đặc điểm: Diễn trò chọi trâu để tưởng nhớ vua Hùng theo tích xưa vua Hùng đi săn qua đây diệt hai con hổ đang đánh nhau.


Xin lưu ý : Sau khi xem xét thêm không thể xóa hoặc cập nhật

Đặt Tour / Booking Tour