Vị trí địa lý Thông tin địa lý

Tiền Giang là một tỉnh ven biển thuộc đồng bằng sông Cửu LongViệt Nam.

Phần lớn diện tích của tỉnh thuộc địa bàn tỉnh Mỹ Tho cũ. Tuy nhiên, cũng có thời kỳ toàn bộ diện tích tỉnh Tiền Giang ngày nay đều thuộc tỉnh Mỹ Tho, bao gồm cả vùng Gò Công. Tiền Giang là tỉnh vừa thuộc Vùng đồng bằng sông Cửu Long, vừa nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tỉnh lỵ của Tiền Giang hiện nay là thành phố Mỹ Tho, nằm cách Thành phố Hồ Chí Minh 70 km về phía Bắc và cách Thành phố Cần Thơ 100 km về phía Nam[2] theo đường Quốc lộ 1A.

Tiền Giang có đường bờ biển dài 32 km, với địa hình tương đối bằng phẳng, đất phù sa trung tính, ít chua dọc sông Tiền, chiếm khoảng 53% diện tích toàn tỉnh, thích hợp cho nhiều loại giống cây trồng và vật nuôi. Mạng lưới viễn thông Tiền Giang được hiện đại hóa và triển khai đồng loạt trong toàn tỉnh, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt trong nước và quốc tế. Ngoài ra Tiền Giang cũng là tỉnh có nhiều tiềm năng về du lịch.

Tiền Giang nằm trải dọc trên bờ Bắc sông Tiền (một nhánh của sông Mê Kông) với chiều dài 120 km. Nhờ vị trí hết sức thuận lợi nên Tiền Giang đã trở thành trung tâm văn hóa chính trị của cả Đồng bằng sông Cửu Long, là địa bàn trung chuyển hết sức quan trọng gắn cả miền Tây Nam Bộ. Vị trí như vậy giúp Tiền Giang sớm trở thành một tỉnh có nền kinh tế phát triển hàng đầu trong khu vực miền Tây Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

Diện tích 2.510,5 km²

Dân số 1.764.185 người (2019)

Danh lam thắng cảnh Danh lam thắng cảnh Tiền Giang

1. Biển Tân Thành

Địa chỉ: Gò Công Đông, cách thành phố Mỹ Tho khoảng 50 km về hướng Đông, theo quốc lộ 50

Gọi là biển nhưng không phải để tắm, gọi là cát nhưng không phải gam màu óng vàng đặc trưng. Biển Tân Thành chứa những đặc điểm kì lạ xứng danh một trong những địa điểm du lịch Tiền Giang nổi tiếng.

Biển Tân Thành thuộc loại biển cát đen hiếm có của Việt Nam. Đặt chân đến nơi đây, bạn sẽ thích thú cảm nhận được sự êm ái của cát đen chảy tràn dưới chân, phóng tầm mắt ra xa thả hồn theo không gian biển lớn ngút ngàn.

Khách du lịch ngoài dạo biển, chụp hình với chiếc cầu dài 300m kéo dài ra biển vô cùng ấn tượng còn có cơ hội khám phá cuộc sống của người dân vùng biển, mò nghêu dưới biển và thưởng thức nhiều món ngon đặc sản như: ghêu hấp sả, tôm nướng, ghẹ hấp,…cực kì hấp dẫn!

2. Chùa Vĩnh Tràng

Địa chỉ: đường Nguyễn Trung Trực, thuộc ấp Mỹ An, xã Mỹ Phong, cách thành phố Mỹ Tho 5km

Du lịch Tiền Giang, bạn nhất định không nên bỏ qua chùa Vĩnh Tràng – ngôi chùa lớn nhất Tiền Giang. Ngôi chùa được xây dựng đầu thế kỷ 19 với sự kết hợp giữa kiến trúc phương Đông và Tây hài hòa trong từng đường nét chạm khắc.

Khách du lịch tới đây có thể cảm nhận sự giao thoa hoàn hảo giữa phong cách phương Đông và phương Tây. Nhìn từ ngoài vào, kiến trúc mái uốn cong khiến người ta dễ nhầm tưởng như đang thăm viếng một ngôi chùa nước ngoài. Thế nhưng tiến vào bên trong, lối bày trí với những tượng Phật và họa tiết rồng phượng uốn lượn khắp nơi đưa ta trở về ngay với không gian Phật giáo quen thuộc. Khuôn viên chùa ngào ngạt mùi hoa cỏ dễ chịu từ những vườn sen, dịu mát dưới bóng của những cây đại thủ và cây cảnh được chăm sóc tỉ mỉ, tạo dáng cầu kì

3. Chợ nổi Cái Bè

Địa chỉ: huyện Cái Bè,  cù lao Tân Phong, Tiền Giang

Ai đến Tiền Giang mà chưa một lần đi đến chợ nổi Cái Bè thì quả là một sự lãng phí. Chợ nằm trên con sông Tiền rộng lớn giáp ranh giữa ba tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long và Bến Tre. Khác với những chợ nổi miền Tây khác, chợ Cái Bè họp từ tờ mờ sáng đến tối khuya. Khách du lịch có thể thoải mái tìm đến trải nghiệm sông nước tại chợ ở bất kì thời điểm nào trong ngày.

Không chỉ là đầu mối trung truyển hàng hóa, giao lưu buôn bán của tỉnh, Chợ Cái Bè còn lưu giữ nét đẹp văn hóa trong đời sống lao động của người dân Tiền Giang. Hiếm có địa điểm du lịch tỉnh Tiền Giang nào lại có thể nhộn nhịp tiếng cười nói từ sáng sớm tinh mơ, cho phép khách tham quan trải nghiệm ẩm thực miền Tây trực tiếp như chợ Nổi.

4. Cù Lao Thới Sơn

Địa chỉ: hạ lưu sông Tiền, thuộc xã Thới Sơn, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang

Cù Lao Thới Sơn gây thương nhớ cho những ai đến thăm Tiền Giang bởi khung cảnh miệt vườn sông nước mênh mông y như những thước phim của “Đất rừng phương Nam” một thời. Khách du lịch sẽ được hóa thân thành một người dân miệt vườn thứ thiệt khi chèo thuyền luồn lách qua những con rạch ngoằn ngoèo của miền sông nước.

Con thuyền nhỏ đưa người tham quan qua những rặng dừa nước um tùm, những vườn cây trái xum xuê,.. Thả mình trên dòng kênh xanh, rẽ vào một vườn cây trái tham quan và thưởng thức đặc sản tại vườn là những trải nghiệm mới lạ với những người dân thành phố. Những nhà vườn của cù lào còn sẵn lòng chiêu đãi khách du lịch loại mật ong nhà vườn thơm ngon và đờn ca tài tử vùng sông nước.

5. Trại rắn Đồng Tâm

Đại chỉ: Bình Đức, Châu Thành

Trại rắn Đồng Tâm hay còn gọi là xí nghiệp dược phẩm Quân khu 9 là địa điểm du lịch của tỉnh Tiền Giang dành riêng cho những người yêu con giáp thứ 6. Đây là một trong những trại nuôi rắn lớn nhất Việt Nam và cũng được được xem như một bảo tàng về rắn đầu tiên ở nước ta, thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu.

Khách du lịch sẽ được tận mắt nhìn thấy những 400 chủng loại rắn, từ loài rắn hiền lành không độc, đến các loài rắn cực độc. Rắn tại đây được nuôi thả tự do, gồm 3 khu vực phù hợp với tính chất mỗi loài: khu vực nuôi theo kiểu đảo hồ nước, khu vực nuôi rắn độc và khu vực nuôi trăn.

6. Vườn cây trái Vĩnh Kim

Địa chỉ: huyện Châu Thành

Những vườn cây trái sai quả đã trở thành thương hiệu riêng của những tỉnh miền Tây như Tiền Giang. Không gian xanh mát, không khí thoáng đãng, lại còn được thưởng thức hoa quả tươi ngon ngay tại vườn, ai lại nỡ chối từ một trải nghiệm “đẹp mắt, no bụng” như thế? 

Vĩnh Kim là đất mẹ của nhiều loại trái cây ăn quả nhưng được ưu ái nhất có lẽ là vú sữa. Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim với những trái căng, vỏ mọng, vị ngọt ngào thơm ngon là niềm tự hào của người dân Vĩnh Kim nói riêng và Tiền Giang nói chung.

7. Cầu Mỹ Thuận

Là cầu dây văng đầu tiên ở Việt Nam, cầu Mỹ Thuận bắc qua sông Tiền, nối 2 tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long. Cầu nằm trên quốc lộ 1A là trục giao thông chính của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, cách TP HCM 123 km về phía Tây Nam. Dù bị vượt mặt bởi nhiều công trình khác ra đời sau, cây cầu này vẫn luôn được nhắc đến như một biểu tượng kinh tế – văn hóa của tỉnh Tiền Giang.

8. Vườn hoa Mãn Đình Hồng

Địa chỉ: ấp Phước Thuận, Phước Thạnh, Châu Thành

Với diện tích 1,1 ha, vườn hoa Mãn Đình Hồng  gồm nhiều chủng loại hoa khác nhau như: hướng dương, hoa cải, mãn đình hồng, cosmos… được trồng theo từng luống, xen kẽ với nhau, tạo thành một cánh đồng hoa đầy màu sắc.

9. Chùa Linh Thứu

Địa chỉ: gần chợ Xoài Hột, xã Thạnh Phú, huyện Châu Thành

Chùa Linh Thứu có tên đầy đủ là Sắc Tứ Linh Thứu, thường được gọi là chùa Sắc Tứ, được biết đến như một ngôi chùa cổ, đã từng được vua Gia Long ban sắc của tỉnh Tiền Giang.

10. Nhà thờ Cái Bè

Địa chỉ: trung tâm thị trấn Cái Bè

Nếu chùa Linh Thứu níu chân người bởi phong cách đơn giản trang nhã thì nhà thờ Cái Bè khiến người ta không thể rời mắt khỏi kiến trúc Roman cổ kính. Nhà thờ xây dựng theo kiểu kiến trúc Roman và bằng bê tông cốt thép đúc đá sạn, xây dựng năm 1929-1932, đến nay vẫn giữ nguyên vẻ đẹp cổ kính mơ màng.

11. Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác

Địa chỉ: thị xã Mỹ Phước, huyện Tân Phước

Thiền viện gần giống thiền viện Trúc Lâm ở Đà Lạt nhưng lớn hơn nhiều; đặc biệt vì ở vùng trũng Đồng Tháp Mười nên phải làm trên hệ thống đê bao cao 3,7m để ngăn lũ dâng.

Thiền viện có tổng diện tích 50 hecta bao gồm 30 hecta ban đầu và được người dân hiến tặng thêm 20 hecta với kiến trúc 4 thánh tích Phật giáo theo mô hình truyền thống các thiền viện hệ phái Trúc Lâm Yên Tử

12. Miệt vườn Cái Bè

Địa chỉ: nằm dọc theo bờ Bắc của sông Tiền, thuộc huyện Cái Bè.

So với các miệt vườn ở miền Tây, miệt vườn Cái Bè thuộc hạng “phong phú vào bậc nhất”, trái cây có 4 mùa, mùa nào thức ấy nên du khách đến Cái Bè dù ở mùa nào cũng đầy ắp nhiều loại trái cây chín thơm ngon.

Cái Bè là vựa trái cây lớn bậc nhất của đồng bằng sông Cửu Long, vi thế nếu có dịp nhớ ghé qua đây tận hưởng vị ngon của cây trái miền Nam nhé. Đây là một trong những địa điểm du lịch sinh thái được yêu thích nhất tại Tiền Giang đấy

Lễ hội - Sự kiện Lễ hội sự kiện

1. Lễ hội Nghinh Ông - Vàm Láng

Được tổ chức vào ngày mùng 9 tháng 3 Âm lịch tại Lăng ông Nam Hải thuộc ấp Lăng, xã Vàm Láng, Nghinh Ông được xem là lễ hội quan trọng và lớn nhất trong năm của những cư dân vùng biển Gò Công Đông.

Với ước mong cầu cho sóng yên biển lặng, thuyền cá đầy khoang sau những chuyến ra khơi, lễ hội Nghinh Ông diễn ra đầy trang nghiêm với hai nghi thức lễ chính: Lễ rước Sắc Thần và Lễ cúng Thủy Lực.

Lễ rước kiệu Nam Hải Tướng Quân được thực hiện theo nghi thức cổ truyền với đoàn thuyền rồng đầy đủ các đồ tế lễ. Cùng đi với thuyền rồng còn có nhiều ghe thuyền khác cũng được trang hoàng lộng lẫy.

Vào ngày này, nhân dân trong vùng tham gia lễ hội rất đông. Từ người già đến trẻ nhỏ, thanh niên trai gái tất cả hò hát nô nức rộn ràng và tham gia vào các trò chơi giải trí dân gian hấp dẫn.

2. Lễ hội Kỳ Yên - Vĩnh Bình

Là một trong những lễ hội mang đậm nét văn hóa vùng đất nông nghiệp, là dịp để người dân cầu phúc cho một năm mới bình an, mùa màng bội thu, lễ hội Kỳ Yên Vĩnh Bình diễn ra từ ngày 14 đến ngày 16 tháng Chạp âm lịch hằng năm.

Kỳ Yên Vĩnh Bình là lễ hội Kỳ Yên lớn nhất của tỉnh Tiền Giang được tổ chức tại đình Vĩnh Bình thuộc thị trấn Vĩnh Bình huyện Gò Công Tây.

Lễ hội bao gồm các nghi thức cúng rước, tế lễ các vị thần và những bậc tiền nhân của địa phương. Bên cạnh đó còn có nghi thức đưa linh vị đến miếu Thánh Mẫu Thiên Y A Na và nghi lễ tống gió độc ra biển.

Trong dịp lễ hội Kỳ Yên Vĩnh Bình còn diễn ra các hoạt động vui chơi thú vị kéo dài trong suốt 3 ngày như đẩy cây, nhảy bao bố, bịt mắt đập nồi, bắt vịt trên sông, ngâm thơ, múa lân, hò đối đáp, hát bội…

3. Lễ hội Quan Thánh Đế Quân

Quan Thánh Đế Quân được xem là một trong những lễ hội văn hóa lớn của cộng đồng người Hoa ở Việt Nam.

Ở Tiền Giang lễ hội Quan Thánh Đế Quân được tổ chức trang trọng từ ngày 10 đến ngày 13 tháng Giêng âm lịch hằng năm. Đây là dịp để cộng đồng người Hoa Tiền Giang cúng viếng, thắp hương bày tỏ lòng thành kính đối với Quan Thánh.

Lễ hội Quan Thánh Đế Quân diễn ra trong ba ngày. Ngày thứ nhất và ngày thứ hai là phần lễ, ngày thứ ba là phần hội. Các nghi thức tiêu biểu trong lễ hội Quan Thánh Đế Quân là: Lễ Thỉnh Kiệu Bà Thiên Hậu, Lễ Yết Quan Thánh, Lễ Chiêu vong linh Tiền Hiền, Lễ phóng sinh, Lễ Hoàn mãn…

Có thể nói, lễ hội Quan Thánh Đế Quân là nét đẹp văn hóa của cộng đồng người Việt gốc Hoa được duy trì và gìn giữ từ xa xưa.

4. Lễ hội Nam Kỳ Khởi Nghĩa

Khởi nghĩa Nam Kì là cuộc đồng khởi lớn ở Tiền Giang diễn ra vào những năm 1940, cuộc khởi nghĩa này có ý nghĩa to lớn trong lịch sử đấu tranh của dân tộc. Hằng năm cứ vào ngày 23 tháng 11 người dân xã Long Hưng, huyện Châu Thành lại hân hoan tổ chức lễ hội Nam Kỳ Khởi Nghĩa một cách đầy trang trọng.

Không giống như những lễ hội truyền thống khác, lễ hội này bắt đầu với những chương trình về nguồn, những buổi cắm trại lịch sử và nhiều giải thể thao chào mừng.

Tiếp đó, tại đây sẽ diễn ra chương trình văn nghệ, pháo hoa nghệ thuật sôi nổi, chương trình chiếu phim lịch sử lưu động, triển lãm tư liệu lịch sử về khởi nghĩa Nam Kỳ thu hút hàng ngàn người từ nhiều nơi về tham dự.

5. Lễ hội Chiến thắng Rạch Gầm – Xoài Mút

Lễ hội Chiến thắng Rạch Gầm – Xoài Mút diễn ra vào ngày 20 tháng 1 hằng năm tại khu di tích Chiến thắng Rạch Gầm – Xoài Mút thuộc xã Kim Sơn, huyện Châu Thành.

Với khoảng hơn 2000 người tham gia, lễ hội này được tổ chức để gợi nhớ về trận thủy chiến lớn và oanh liệt nhất trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc.

Thường thì lễ hội Chiến thắng Rạch Gầm – Xoài Mút sẽ kéo dài trong hai ngày với các hoạt động giải trí thú vị như thả diều, đua thuyền trên sông, chưng mâm ngũ quả… Bên cạnh đó, còn có các chương trình biểu diễn nghệ thuật, hội thi chim, hoa, kiểng… diễn ra hết sức sôi nổi và hấp dẫn.

Trải qua nhiều lần tổ chức, lễ hội Chiến thắng Rạch Gầm – Xoài Mút đã trở thành sự kiện văn hóa ý nghĩa tự hào của người dân Tiền Giang

6. Lễ hội Chiến thắng Ấp Bắc

Ấp Bắc thuộc xã Tân Phú, huyện Cai Lậy là nơi từng gắn liền với trận đánh lịch sử, bẻ gãy chiến thuật “thiết xa vận, trực thăng vận” của đế quốc Mỹ vào năm 1963. Để tưởng nhớ sự kiện lịch sử ý nghĩa to lớn này, hằng năm nhân dân Tiền Giang tổ chức lễ hội Chiến thắng Ấp Bắc vào ngày 2 tháng 1.

Vào những năm chẵn, lễ hội Chiến thắng Ấp Bắc được tổ chức với quy mô rất lớn, diễn ra trong nhiều ngày, có các lực lượng vũ trang và hàng vạn người dân tham gia.

Các hoạt động tiêu biểu trong ngày lễ có thể kể đến như diễu binh, diễu hành, triển lãm trưng bày, cắm trại về nguồn, các cuộc thi thể thao, ẩm thực, biểu diễn văn nghệ… tất cả đều diễn ra trong không khí náo nhiệt và hào hứng.

7. Lễ giỗ Anh hùng dân tộc Trương Định

Lễ giỗ Anh hùng dân tộc Trương Định được tổ chức vào ngày 20 tháng 8 dương lịch mỗi năm. Đây là ngày lễ giỗ lớn của tập thể bà con tỉnh Tiền Giang, đặc biệt là ở thị xã Gò Công – nơi tọa lạc đền thờ của anh hùng Trương Định.

Vào ngày giỗ, các nghi thức cúng lễ được tổ chức tại đền, không quá phô trương rình rang nhưng rất uy nghi và kính cẩn. Người dân trong vùng tập hợp đông đủ để chứng kiến nghi lễ, sau đó thắp hương, dâng hoa tại tượng đài.

Cùng với Tiền Giang, Quảng Ngãi cũng là địa phương đồng tổ chức lễ tưởng niệm dâng hương tri ân tưởng nhớ Anh hùng Trương Định. Đây cũng là dịp để người dân nhận thức sâu sắc thêm về truyền thống yêu nước, tinh thần chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta.

8. Lễ giỗ Anh hùng dân tộc Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân

Sau ba lần bị bắt vì cùng người dân khởi nghĩa chống thực dân Pháp, Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân bị Pháp xử chém tại quê nhà xã Hòa Tịnh, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang. Lễ giỗ của ông được tổ chức tại đền thờ vào ngày 15 tháng 4 Âm lịch hằng năm.

Vào ngày này, các ban ngành trong và ngoài tỉnh, nhân dân trong huyện, học sinh các trường và bà con dòng tộc về dự lễ rất đông.

Các hoạt động nghi lễ trong ngày giỗ được tổ chức hết sức trang trọng và linh thiêng. Lễ giỗ Anh hùng dân tộc Thủ khoa Nguyễn Hữu Quân kéo dài trong suốt một ngày với các hoạt động như rước linh Anh hùng dân tộc Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân tại đầu cầu Tịnh Hà, đặt tràng hoa và thắp hương tại Tượng đài…


Xin lưu ý : Sau khi xem xét thêm không thể xóa hoặc cập nhật

Đặt Tour / Booking Tour