Vị trí địa lý Thông tin địa lý

Cần Thơ là một thành phố trực thuộc trung ương của Việt Nam, là thành phố hiện đại và phát triển nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long. Cần Thơ hiện là đô thị loại I, là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội, y tế và giáo dục của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, là thành phố trung tâm cấp vùng và cấp quốc gia cùng với Đà NẵngHải Phòng.

Cần Thơ là thủ phủ và là đô thị hạt nhân của miền Tây Nam Bộ từ thời Pháp thuộc, nay tiếp tục là trung tâm kinh tế của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Ngoài đặc trưng về địa lý là đầu mối giao thông quan trọng giữa các tỉnh trong khu vực, thành phố Cần Thơ còn được biết đến như một đô thị miền sông nước. Thành phố có hệ thống sông ngòi chằng chịt, diện tích vườn cây ăn trái và đồng ruộng rộng lớn, nổi tiếng với Bến Ninh KiềuChợ nổi Cái Răng một nét sinh hoạt đặc trưng văn hóa Nam Bộ.

Thành phố Cần Thơ nằm ở vùng hạ lưu của Sông Mê Kông và ở vị trí trung tâm đồng bằng sông Cửu Long, nằm cách Thành phố Hồ Chí Minh 169 km, cách thành phố Cà Mau hơn 150 km, cách thành phố Rạch Giá gần 120 km, cách biển khoảng hơn 80 km theo đường nam sông Hậu (quốc lộ 91C)

Thành phố Cần Thơ có các điểm cực sau:

Diện tích 1.439,2km²

Dân số 1.235.171 người (20190)

Danh lam thắng cảnh Danh lam thắng cảnh Cần Thơ

1. Bến Ninh Kiều:

Nơi nhìn ra dòng Hậu Giang đỏ nặng phù sa, nằm ở vị trí đắc địa, giao thoa hữu ngạn sông Hậu, ngay ngã ba sông Hậu và sông Cần Thơ, gần trung tâm thành phố Cần Thơ.

Du khách một lần đến với thành phố trung tâm miền Tây này dù bận bịu vẫn không bỏ qua cơ hội tìm đến đây để ngắm nhịp sống trên ghe xuồng sôi động, những chiếc tàu tấp nập chuyên chở trái ngon vật lạ của vùng đất phía Nam tổ quốc.

2. Cầu Cần Thơ:

Trụ cầu có hình chữ Y ngược và hai chân khép vào để thu hẹp diện tích bệ trụ nên mang nét đẹp thanh thoát. Cảng Cái Cui, nơi đón nhận và vận chuyển toàn bộ dầm hộp thép cho ngày hợp long nằm kề sông lớn, ngay trước mặt.

3. Chùa Ông: 

Chùa Ông nổi bật giữa dãy phố Hai Bà Trưng với kiến trúc, màu sắc rực rỡ đặc trưng của dân tộc Hoa. Chùa được trang trí bằng những hình nhân bằng sành sứ tái hiện những điển tích, truyền thuyết Trung Hoa như Bát Tiên quá hải, chuyện Tam Quốc Chí... trên bờ nóc và hai bên cổng tam quan.

Những chiếc lồng đèn được treo hai bên cửa. Hai cột đá chính của cổng tam quan được trang trí thêm đôi lân; mái ngói âm dương với các gờ bó ngói ống men xanh thẫm; bờ nóc trang trí những hình lưỡng long chầu nguyệt, cá hóa rồng, phụng hoàng... bằng gốm sứ đủ màu.

4. Chợ nổi Cái Rang - Điểm du lịch hấp dẫn nhất Cần Thơ:

Đây là khu chợ nổi lớn nhất ở Miền Tây và cũng nổi tiếng nhất cả vùng đồng bằng sông cửu long, chợ nổi Cái Răng là nơi chuyên mua bán nông sản, các loại trái cây của cả vùng đồng bằng sông cửu long.

Để đi chợ nổi này thì bạn ra bến Ninh Kiều đón tàu, bến Ninh Kiều có rất nhiều tàu du lịch để chọn, từ Ninh Kiều bạn đi Phong Điền và Cái Răng, chợ nổi Cái Răng thuộc quận Cái Răng, Tp. Cần Thơ, cách bến Ninh Kiều 30 phút đi bằng canô.

5. Chợ đêm Tây Đô:

Chợ Tây Đô là trung tâm buôn bán lớn của các tỉnh Nam Bộ đồng thời cũng là điểm vui chơi giải trí, du lịch hấp dẫn.

Chợ Tây Ðô truớc đây là một chợ đầu mối trung chuyển các mặt hàng với nhiều địa phương trong và ngoài nước, bên cạnh chức năng trao đổi hàng hoá, tại đây còn có các dịch vụ ẩm thực, giải trí…

Do quy mô hoạt động và tầm quan trọng đối với khu vực nên chợ Tây Đô là một trung tâm buôn bán và văn hoá lớn của các tỉnh Nam Bộ.

6. Nhà Cổ Bình Thủy:

Ngôi nhà cổ năm gian hai mái còn có một tên gọi khác là vườn lan Bình Thủy, tọa lạc tại địa điểm 26/1A đường Bùi Hữu Nghĩa, phường Bình Thủy của gia đình họ Dương, được xây từ năm 1870 theo kiến trúc Pháp, vẫn còn khá nguyên vẹn, do hậu duệ đời thứ năm của ngôi nhà là ông Dương Văn Ngôn có thú chơi hoa kiểng, xương rồng.

Vào thập niên 1960, ông đã sưu tầm được nhiều giống lan quý rồi bắt đầu tổ chức các hội chơi lan, kết hợp mở tuyến du lịch đến nhà vào những năm 1980 để những người cùng sở thích có dịp trao đổi kinh nghiệm, cùng thưởng thức thú chơi hoa và làm thơ.

7. Vườn Cò Bằng Lăng:

Vườn cò Bằng Lăng là một trong những điểm tham quan nổi tiếng khi du lịch Cần Thơ, vườn nằm cách thành phố Cần Thơ khoảng 60km, thuộc ấp Thới An, phường Thuận An, quận Thốt Nốt.

Vườn cò là sân chim lớn nhất vùng đồng bằng Sông Cửu Long, được hình thành và tự phát triển từ năm 1983. Đến nay, số lượng cò tại đây đã lên đến hơn 100.000 con gồm trên 20 loài chim đến cư ngụ, chủ yếu là các loại cò.

Để có thể ngắm những cảnh đẹp khó quên, bạn có thể tới lúc 6-7h để xem từng đàn cò trắng tỏa đi kiếm ăn, hoặc là đến lúc 17h để đón chúng bay về.

8. Các khu miệt vườn tại Cần Thơ:

Các khu miệt vườn Cần Thơ là loại hình du lịch độc đáo bạn chỉ tìm thấy ở Cần Thơ và các tỉnh đồng bằng sông cửu long, Cần Thơ có rất nhiều khu du lịch miệt vườn chủ yếu tập trung ở khu vực huyện Phong Điền, huyện Bình Thủy.

Nổi tiếng nhất là các khu nhà vườn ở Huyện Phong Điền cách trung tâm Cần Thơ 16 km, nơi đây có rất nhiều vườn trái cây nổi tiếng phục vụ du khách như vườn trái cây Mỹ Khánh, vườn dâu Hạ Châu thuộc xã Nhơn Ái, vườn du lịch Vàm Xáng, vườn trái cây 9 Hồng....

9. Làng du lịch sinh thái Mỹ Khánh:

Thuộc huyện Phong Điền, cách trung tâm thành phố Cần Thơ 10 km, là một trong những điểm du lịch được yêu thích tại Cần Thơ.

Mỹ Khánh là nơi hội tụ những tinh hoa văn hóa sông nước miệt vườn với nhiều chủng loại trái cây đặc sản, bốn mùa trĩu quả kết hợp cùng ẩm thực phong phú, đậm chất Nam bộ.

Du khách sẽ rất thích thú với các hoạt động như đua chó, đua heo, một ngày làm điền chủ, tát mương bắt cá, bơi thuyền, câu cá, tham quan làng nghề truyền thống, nghe đàn ca tài tử, xiếc khỉ...

10. Thiền Viện Trúc Lâm Phương Nam:

Với diện tích gần 4 ha và được xem là thiền viện lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long. Tọa lại tại xã Mỹ Khánh (gần khu du lịch Mỹ Khánh) thiền viện được xây dựng với kiến trúc Phật giáo thời Lý- Trần.

Toàn bộ công trình kết cấu mái lợp ngói, khung cột bằng gỗ lim, vách tường gạch, nền và lối đi đều lát gạch tàu với tổng giá trị xây dựng 145 tỉ đồng.

Lễ hội - Sự kiện Lễ hội sự kiện

1. Lễ Vu Lan

Lễ Vu Lan được tổ chức vào 19 và 20/7 âm lịch hàng năm tại Cần Thơ. Đây là một ngày lễ lớn của cộng đồng người Hoa ở Cần Thơ, được diễn ra tại nghĩa trang người Hoa huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ. Đây là một trong những lễ hội được tổ chức với quy mô, thu hút được sự quan tâm của du khách trong nước và ngoài nước.

Trong dịp lễ Vu Lan, khi đến nghĩa trang người Hoa ở huyện Phong Điền, bạn sẽ thấy một tấm bảng lớn treo giữa cổng, trên là bốn chữ Hán to ghi Vu Lan Thắng Hội. Trong nghĩa trang tấp nập người qua kẻ lại, nhiều người từ khắp nơi về đây cúng cầu an, cầu sức khỏe cho cha mẹ, người thân mình.

2. Lễ Đấu đèn ở Chùa Ông

Chùa Ông, hay còn được gọi là Quảng Triệu Hội Quán, nằm tại đường Hai Bà Trưng, bến Ninh Kiều, phường Tân An.

Đấu đèn, thực chất là đấu giá đèn lồng, là một trong những nét văn hóa đặc sắc, bắt nguồn từ Trung Hoa, du nhập vào Việt Nam, cụ thể là Cần Thơ và được lưu giữ, phát triển đến ngày nay. Tục đấu giá đèn lồng thường không theo định kỳ, có nơi có khi vài ba năm không tổ chức, nhưng cũng có nơi tổ chức hằng năm, hoặc vào các ngày kỷ niệm, ngày thành lập. Tại chùa Ông, tục đấu giá đèn lồng thường được tổ chức vào ngày thành lập chùa, trường, hội, hay các ngày vía Bà, vía Quan Thánh Đế quân…

Việc tổ chức đấu giá đèn lồng có nhiều ý nghĩa, đầu tiên là tăng thêm sinh khí cho các ngày lễ hội, tạo sự vui tươi, tình đoàn kết trong cộng đồng. Thứ hai là vì mục đích từ thiện. Số tiền đấu giá đèn lồng đều được dùng vào việc công đức như: xây nghĩa trang, trường học, giúp đỡ trẻ mồ côi…

Đèn lồng người Hoa làm rất đẹp và đều có tên riêng như đèn Thiên Hậu Thánh Mẫu, đèn Quan Thánh Đế, đèn Phước Đức Chính Thần…Người Hoa quan niệm đấu giá được đèn là vinh dự cho bản thân, cho gia đình và cho cả làng xóm. Người ta cũng tin rằng khi đấu được đèn, rước đèn về nhà là một sự may mắn, đem lại bình an, sung túc, phát đạt cho gia đình.

Ngoài phương diện tín ngưỡng, chùa Ông còn là nơi diễn ra những sinh hoạt văn hóa lành mạnh nhằm giữ gìn và phát huy nét đẹp của nghệ thuật truyền thống, góp phần làm phong phú bản sắc văn hóa Việt Nam.

3. Lễ hội đình Bình Thủy

Đình Bình Thủy, hay Long Tuyền Cổ Miếu, nằm trên quốc lộ 91, cách trung tâm thành phố Cần Thơ 5km. Một năm đình có 2 kỳ lễ hội lớn là lễ Thượng điền, nhằm cúng đất đai bắt đầu vụ mùa mới vào ngày 14 và 15 tháng 4 âm lịch và Lễ Hạ điền, để tạ ơn ruộng đồng vào ngày 15 tháng chạp âm lịch. Có một điều khá lạ là quy mô tổ chức lễ hội của đình tùy thuộc vào làng giàu hay nghèo, năm được mùa hay mất mùa.

Ngoài những nghi thức lễ trang trọng và có phần rườm rà, là phần mà nhiều người yêu thích nhất: phần hội. Đây là phần sôi động và vui tươi nhất trong dịp cúng đình, do vậy thu hút sự tham gia của cả dân làng và khách du lịch trong, ngoài nước. Người tham gia được thưởng thức nhiều tiết mục biểu diễn, xem diễn trò, diễn tuồng, tham gia các trò chơi dân gian như chọi gà, thi bắt vịt, kéo co, thi đấu vật… những hoạt động thể hiện được nét sinh hoạt văn hóa thiêng liêng và cao đẹp.

Mặc dù xuyên suốt lễ hội là những hoạt động vui chơi, ăn uống, giao lưu, nhưng giữa không gian đền chùa linh thiêng, những hoạt động này diễn ra chừng mực, người tham gia rất có văn hóa, không say sưa, không hành xử thiếu suy nghĩ. Đèn, nến, cờ ngũ sắc rực rỡ không gian, chiêng trống nổi lên khiến lòng người khắp nơi náo nức, vui vẻ.

4. Lễ Cholchonam Thomay

Lễ Cholchonam Thomay, hay Lễ vào năm mới, hoặc Lễ chịu tuổi, là một trong những lễ hội truyền thống ở Cần Thơ, diễn ra vào các ngày 13,14,15 tháng 3 âm lịch. Điều đặc biệt của ngày lễ này là nếu năm nào là năm nhuận thì ngày bắt đầu của lễ hội sẽ lùi lại một ngày. Đây được coi là một ngày lễ riêng của đồng bào người Khmer Nam Bộ ở các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, An Giang và Cần Thơ.

Lễ Cholchonam Thomay diễn ra trong 3 ngày trong chùa, với nhiều loại lễ vật khác nhau như bánh ngọt, bánh tét, hoa quả và hương đèn. Ngày thứ nhất của lễ hội là “Chôl Sangkran Thmây”, ngày thứ hai sẽ gọi là “Wonbơt” và ngày cuối gọi là ngày “Lơn Săk”. Trong đêm giao thừa, mọi gia đình sẽ làm lễ tiễn đưa vị thần Têvôđa năm cũ và rước vị thần Têvôđa năm mới, theo đó, thần Têvôđa là một vị tiên do ông trời phái xuống để trong coi cho gia đình trong một năm, do vậy, mỗi năm sẽ có một vị thần Têvôđa khác nhau.

Ngoài các thủ tục cúng bái, dâng cơm, tắm sư, trong dịp lễ này cũng diễn ra các hoạt động sinh hoạt vui chơi giải trí, múa dù kê, rồbăm, múa lâmthôl, thả đèn gió… Sau ba ngày lễ, mọi sinh hoạt của cộng đồng người Khmer lại trở lại bình thường và sẵn sàng bước vào vụ mùa mới

Giống như như ngày lễ tết cổ truyền của bao dân tộc khác, lễ Cholchonam Thomay luôn giữ được nhiều nét văn hóa độc đáo, đậm đà tín ngưỡng tâm linh, do vậy sẽ rất đáng tiếc nếu bạn đến Cần Thơ mà không đi được đúng dịp để dự lễ Cholchonam Thomay.

5. Lễ Cầu an

Lễ Cầu an, hay lễ Tống gió,  lễ Tống ôn, diễn ra trong ba ngày: 12, 13, 14 âm lịch tháng Giêng. Lễ Cầu an là dịp tưởng nhớ công đức Bà Thiên Hậu – vị thần cai quản sông nước, để cầu mong Bà giúp đỡ khi gặp hoạn nạn, không làm bão lũ để người dân yên ổn làm ăn, đồng thời trừ khử những loại người gian ác.

Trong dịp lễ, các miếu thờ rất nhộn nhịp và đông vui. Trước cửa mỗi nhà đều chuẩn bị bàn thờ để “hạ thủy” con tàu “xui xẻo” ra sông lớn. Người dân sẽ đốt nhang khấn vái xua đuổi tà ma và những điều không may mắn cho gia đình. Mỗi mâm cũng đều được đốt than, củi bỏ muối hạt trong những chiếc lò gạch, thau gang, nhôm đi kèm trái cây, bánh ngọt, hoa tươi, nhằm cầu mong sự thành đạt, sức khỏe.

Trong dịp lễ Cầu an tại Cần Thơ còn có nhiều hoạt động vui chơi như: múa lân, hát bội, đờn ca tài tử, ngoài ra còn có nhiều phần đặc sắc, thu hút nhiều người xem như “đốt lửa” và “tống gió” với nghi thức thả thuyền giấy ra sông lớn để “tống tiễn” những điều xui xẻo nhất, rủi ro, đau ốm, bệnh tật ra khỏi gia đình. Đồng thời nghi lễ này còn cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hoà, cuộc sống dân làng được ấm no, hạnh phúc.

Hàng năm, lễ Cầu an diễn ra rất trang trọng, thu hút đông đảo người dân địa phương và khách du tham dự, nhưng an ninh trật tự, không xảy ra các vấn đề có liên quan đến mê tín dị đoan. Những ngày này xóm làng không ngớt tiếng cười vui, rôm rả.


Xin lưu ý : Sau khi xem xét thêm không thể xóa hoặc cập nhật

Đặt Tour / Booking Tour