ẨM THỰC MIỀN TRUNG – HƯƠNG VỊ GÂY THƯƠNG NHỚ
Miền Trung – Là vùng đất không chỉ nổi tiếng bởi các Di tích lịch sử lâu đời hay những cảnh sắc thiên nhiên non nước mà còn bởi nét ẩm thực độc đáo nơi đây. Ẩm thực miền Trung tuy không đa dạng như ẩm thực miền Bắc hay như lối ẩm thực phía Nam mà ẩm thực miền Trung có một chiều sâu riêng, mang đậm nét bản sắc của một vùng đất thanh lịch, nhẹ nhàng mà khi đến đây du khách thập phương không khỏi ngỡ ngàng về một nền ẩm thực đa dạng với vô vàn món ăn ngon cả về hương vị lẫn chế biến.
Nhắc đến món ăn miền Trung, chúng ta không thể không nhắc đến các địa danh nổi tiếng góp phần làm nên nét đặc sắc của ẩm thực nơi đây.
1. ẨM THỰC XỨ HUẾ - CÁI NÔI CỦA ẨM THỰC MIỀN TRUNG
Người Huế vốn nổi tiếng thanh lịch, có lẽ vì thế mà trong ẩm thực Huế thanh lịch và hài hòa. Họ rất sành điệu trong việc ăn uống, không chỉ trong khâu chọn nguyên liệu mà còn cầu kỳ từ việc chế biến cho đến cách bày biện trang trí và thưởng thức. Mỗi món ăn đều được người dân nơi đây nâng lên thành một tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng và quyến rũ kể cả về hình thức lẫn hương vị.
-
BÚN BÒ HUẾ
Nhắc đến đặc sản Cố Đô chắc chắn không thể bỏ qua món Bún bò Huế một món ăn không còn xa lạ gì với nhiều vùng miền khác. Ngay từ trong tên gọi, món ăn này đã khẳng định vị thế của mình trong nền ẩm thực Huế. Bún làm bằng gạo xay có pha ít bột lọc nên con bún trắng hơi trong và săn hơn, con bún Huế lại to hơn các nơi khác. Một tô bún giò hay bún bò hấp dẫn thực khách chính là nhờ chất nước ngon ngọt và thơm. Nước bún nấu với những miếng móng giò heo mềm nhừ, với một chút màu trắng của những cọng giá và màu xanh của rau sống, thêm gia vị để vừa cay, vừa nóng, vừa nghe vị ngọt của nước bún của thịt. Nếu đến “XỨ MỘNG” bạn phải thử một lần để cảm nhận được hương vị nguyên bản, độc đáo của nó. Nổi tiếng bởi vị nước dùng màu đỏ đặc biệt nhưng thanh ngọt, thơm dịu và tươi ngon.
-
CƠM HẾN HUẾ
Cơm hến – Một món ăn in đậm hồn “XỨ HUẾ” dung dị và gần gũi, khắc họa rõ nét tính cách đặc trưng của người Huế trong hương vị của mình: nhẹ nhàng, lãng mạn và đằm thắm. Có một đặc biệt khác lạ, cho dù các món ăn khác khi rời xa Huế đều có thể biến tấu ở các địa phương khác. Tuy nhiên riêng cơm hến thì khi không được chế biến đúng kiểu Huế nguyên bản thì sẽ không được gọi là cơm hến. Cách chế biến tuy đơn giản nhưng cũng không kém phần cầu kì.
Điểm đặc biệt của món ăn là phải dùng cơm nguội nấu để qua đêm, các hạt cơm phải rời nhau. Nét đặc trưng này xuất phát từ bản tính cần kiệm của người dân Huế không bỏ phí thức ăn. Hơn nữa khi dùng hạt cơm nguội để nấu thì sẽ làm nền cho các nguyên liệu khác bật được hương vị giòn, ngọt. Khi ăn cơm hến không thể thiếu rau sống đi kèm. Rau sống được làm từ bắp chuối thái mỏng, rau thơm, dứa, thân chuối, khế cắt nhỏ, dọc mùng. Vị chát, chua, mát, hăng của rau sống sẽ làm cho bát cơm hến đậm đà hương vị.
-
CÁC LOẠI CHÈ
Đặc biệt khi nhắc đến văn hóa ẩm thực Huế, chúng ta cũng không thể không nhắc đến chè Huế. Ở Huế có tới mấy chục loại chè, có những loại chè mang nét sang trọng của chốn Cung đình xưa như chè hạt sen, Chè long nhãn bọc hạt sen, Chè đậu ngự…
Mỗi loại chè đều có hương vị khác biệt nhưng đều có vị thơm ngon và rất hấp dẫn đặc biệt là món chè mang sắc tím Huế - chè khoai môn. Tất cả đã làm và hình thành lên một “Vương quốc chè”. Chính những phong cách và mang bản sắc đó người Huế đã xem ẩm thực là nhân cách. Và Miền Trung chỉ không dừng lại ở đó mà còn có các bản sắc rất riêng của các vùng miền khác.
2. ẨM THỰC XỨ QUẢNG – CÁI HỒN TRONG ẨM THỰC MIỀN TRUNG
Từ Huế vào đến Quảng Nam, du khách không khỏi nức lòng với món Gà vườn thơm thảo đất Tam Kỳ hay món Cao lầu Phố Hội hay mì Quảng đậm đà… Nét thanh tao và mộc mạc của ẩm thực xứ Quảng đủ sức níu chân bất kỳ một du khách nào mỗi khi đặt chân đến đây.
-
MỲ QUẢNG
Nhắc đến Quảng Nam ta sẽ liên tưởng ngay tới món ăn rất đặc trưng của vùng đất này, đó là mỳ Quảng. Mỳ Quảng sinh từ đất Quảng đúng như tên gọi, nó được coi là món đặc sản dùng để mời khách, hay những cuộc vui như giới thiệu nét văn hóa của người dân đất Quảng.
Mì Quảng được xem là linh hồn của ẩm thực Quảng Nam, với hương vị đặc trưng riêng biệt. Tô mì thơm ngon được chế biến với tôm, thịt heo tươi thái lát hoặc thịt già xé nhỏ. Với vị beo béo của dầu, nước lèo sánh, hương thơm của đậu phộng, vị ngọt đủ thấm trong từng sợi mì ăn kèm với bánh đa giòn ngậy kết hợp với nhiều loại rau sống như xà lách, rau mùi, diếp cá, húng và bắp chuối.
-
CAO LẦU HỘI AN
Cao lầu là món ăn nổi tiếng trứ danh khi nhắc đến phố cổ Hội An. Món ăn là sự đặc biệt từ tên gọi cho đến cách thức chế biến, trở thành món ăn tự hào của nền ẩm thực nơi đây. Có hình thức giống với mì Quảng nhưng Sợi cao lầu dai hơn rất nhiều, lại chỉ dùng thịt xíu, tóp mỡ, một chút rau sống, giá đỗ, nước tương màu hơi đen. Điểm xuyến cho tô Cao lầu là vài miếng thịt lợn thái lát mỏng, chan lên một chút nước dùng đậm đà. Món được ăn đi kèm với rau đắng, cải con hay húng lủi cùng một chút cay cay tạo nền hương vị kết hợp hoàn hảo.
Phải một lần đặt chân đến đất Phố Cổ, thưởng thức hương vị của bát Cao lầu trong không gian nhỏ nhắn và cổ kính nơi đây thì mới có thể thấm nhuần phần nào hương vị của một vùng đất xưa tinh túy của Việt Nam.
Ngoài ra, các món bê thui Cầu Mống, cá chuồn kho mít non, bánh canh, bánh tráng đập… đã góp một phần không nhỏ làm lên cái hồn của ẩm thực xứ Trung đầy nắng gió
3. ẨM THỰC XỨ NẪU – NÉT RIÊNG BIỆT CỦA ẨM THỰC MIỀN TRUNG
Ngoài Huế và Quảng Nam, ẩm thực xứ Nẫu với các món ăn đặc sản Bình Định như: bánh hỏi lòng heo, gỏi cá Phường Mét (Mỹ Thắng), gỏi cá thu, bánh ít lá gai, rượu Bầu Đá... cũng góp phần tạo lên những nét đặc sắc, riêng biệt của ẩm thực xứ Trung.
-
BÁNH HỎI LÒNG HEO
Bánh hỏi lòng heo là món ăn được nhắc đến nhiều nhất mỗi khi có ai đó hỏi về những món ăn mang đậm hương vị xứ Nẫu. Một phần đầy đủ của món bánh hỏi lòng heo sẽ gồm có đĩa bánh ướt mềm mỏng được thoa lên lớp hẹ, một đĩa lòng heo được luộc chín tới (cật heo, tim heo, ruột heo…) cùng chén nước mắm pha theo bí kíp gia truyền và đĩa rau sống. Ở một số quán còn có tô cháo và lòng.
-
NEM CHỢ HUYỆN
Một món ăn đặc trưng ở Bình Định, nem có vị dai dai, sần sật, chua chua, giòn giòn. Nem tươi đã ngon, nướng với than, ăn kèm với bánh, chả ram, rau mùi, tía tô, rau răm, chuối, khế xắt nhỏ, dưa leo, nước chấm (hoặc xì dầu) và vài múi tỏi, trái ớt.
-
RƯỢU BÀU ĐÁ
Bình Định còn một đặc sản nổi tiếng khắp cả nước đó là rượu Bàu Đá. Rượu Bàu Đá có quy trình nấu rất nghiêm ngặt, nổi bật là công đoạn lựa chọn nguyên liệu nấu như nguồn nước, dụng cụ nấu rượu, men rượu, loại gạo… Điều làm nên sự vang danh của rượu Bàu Đá không chỉ ở vị thơm ngon, mà còn bởi một điều tuy có nồng độ cồn rất cao và uống sẽ dễ say hơn nhưng khi say thường không cảm thấy đau nhức đầu hay mệt.
Thật hấp dẫn phải không nào? Chỉ cần liệt kê ra một vài món ăn đặc sắc mà mỗi người chúng đã muốn một lần được về Miền Trung thưởng thức những món ăn vùng đất này. Đó chính là nét đặc trưng không kém phần độc đáo của miền Trung. Sự kết hợp hài hòa giữa lối ẩm thực Cung đình đầy nghi thức và trang trọng với lối ẩm thực đường phố đầy mộc mạc và dung dị đã tạo nên một nền ẩm thực tinh hoa đa dạng và phong phú như hôm nay.
Đầu xuân này, hãy theo chân Viettourist du xuân đến với vùng đất Miền Trung đầy nắng gió để có cơ hội thưởng thức nền ẩm thực tinh hoa nơi này và khám phá vẻ đẹp lịch sự sống mãi với thời gian tại nơi đây nhé!
Tham khảo tour Tết Nguyên đán: https://viettourist.com/tours/tet-nguyen-dan-cid-259.html
------------------------------------
ĐĂNG KÝ TẠI ĐÂY
HỒ CHÍ MINH: 91 - 93 Lê Quốc Hưng, Quận 4
ĐÀ NẴNG : Số 11 Phan Đình Phùng, Hải Châu
HÀ NỘI: 18 Yên Ninh, Ba Đình, Hà Nội.
Viettourist.com
Tổng đài 19001868 - 0909886688
Khiếu nại : 0908886688
#Viettourist #Dulichviettourist #dulichtet2021 #Tourtet2021 #Amthucmientrung #Amthucxuhue #Amthucxuquang #Amthucxunau #dulichmientrung