Người miền Trung ăn gì vào ngày Tết?
Tết Nguyên Đán - Ngày Tết cổ truyền của người Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung. Đất nước hình chữ S có đường bờ biển dài từ Bắc xuống Nam, chia đất nước thành 3 vùng miền, 3 vùng khí hậu cũng như phong tục tập quán khác nhau. Điều đó đã làm nên một Việt Nam đa dạng phong phú với nền Văn hóa Ẩm thực tinh hoa.
Ngày Tết của mỗi vùng miền khác nhau, nhưng nhìn chung đều mang nét chung truyền thống của dân tộc, mâm cỗ ngày Tết. Hôm nay Viettourist sẽ mang đến cho các bạn Top 15 món ăn ngày Tết của miền Trung để xem người miền Trung ăn gì vào ngày Tết nhé !
1. Bánh Tét
Bánh tét là là loại bánh gần giống bánh chưng nhưng lại có dạng trụ giống giò. Bánh tét được gói bằng lá chuối thay vì lá dong. Khi ăn bánh được cắt bằng dây lạt thành khoanh tròn, có thể ăn ngay hoặc rán lên, và thường được ăn cùng dưa món. Đây là loại bánh không thể thiếu trong ngày Tết ở Miền Trung.
2. Dưa món
Món ăn ngày Tết mà hầu như vùng miền nào cũng có, một cái Tết trọn vẹn thì không thể thiếu món này. Dưa món được kết hợp từ nhiều nguyên liệu như cà rốt, đu đủ, dưa leo, củ cải, củ kiệu, su hào… muối chua. Là món ăn kèm cùng bánh chưng bánh tét… Bữa ăn ngày tết thường rất nhiều dầu mỡ mà ngán, ăn cùng dưa món là một lựa chọn tuyệt vời.
3. Thịt lợn ngâm mắm
Thịt lợn ngâm mắm không chỉ là một món ngon ngày Tết ở miền Trung mà còn là đặc sản nổi tiếng của khu vực này. Thịt lợn ngâm mắm thường sử dụng thịt ba chỉ hoặc chân giò, cho vào luộc đến khi chín rồi ngâm trong hỗn hợp gồm nước mắm, giấm và đường tối thiểu 3 ngày.
Không chỉ ở miền Nam, món thịt lợn ngâm mắm còn được người miền Nam khá ưa chuộng nhưng chỉ duy có người miền Trung mới dùng món này để ăn vào những ngày đầu năm.
4. Tré
Tré là món rất thú vị để ăn ngày tết, bởi sự mộc mạc từ những nguyên liệu như tai heo, thịt bò, thịt ba chỉ... thái mỏng, trộn lẫn với các loại gia vị như riềng, mè, tỏi, tiêu... gói lại trong lá ổi, lá chuối; dùng để nhâm nhi nhắm rượu, ăn chơi rất phù hợp.
5. Xôi đỗ xanh
Xuất hiện trên mâm cơm cúng giao thừa, xôi đỗ xanh cũng với gà, chân giò… là những món không thể thiếu.
6. Nem chua
Nem chua đi kèm chả lụa, bên mâm cơm ngày tết là những cục nem hồng hào hấp dẫn bọc qua lớp lá ổi được gói bên ngoài bởi lá chuối. Nem miền trung mịn màng, hương vị dịu nhẹ, ăn kèm tép tỏi cho tăng hương vị.
7. Bánh thuẩn
Bánh thuẩn được làm từ bột (bột bình tinh, bột năng…) pha với trứng, nướng trên than bằng một khuôn đặc biệt dành riêng cho bánh thuẩn. Khi bánh chín tỏa một mùi thơm rất quyến rũ, miếng bánh nở vàng, hấp dẫn thường có ở Bình Định, Quy Nhơn…
Lạ lắm, cứ những ngày cận kề như thế này ở miền Trung, người người, nhà nhà lại làm bánh thuẩn. Trong ngày Tết miền Trung, chúng cũng được gói ghém cẩn thận và đặt lên bàn thờ tổ tiên những ngày cận kề năm mới.
8. Bánh cộ
Bánh có nguồn gốc vương giả từ trong cung vua phủ chúa của Hoàng tộc triều Nguyễn. Và nó mang màu sắc xứ Huế ngay từ tên gọi. Bởi lẽ, “cộ” là giọng Huế đọc từ “cỗ”, tức muốn nói đến vai trò của bánh này trước nhất là để cúng lễ, sau đó mới ăn. Đây là tên gọi có lẽ là xưa và đúng nhất của loại bánh này.
Bánh được in trong khuôn đồng, có dạng hình chữ nhật, trên nắp khuôn khắc chữ Thọ, chữ Phúc, hay hình hoa sen. Bánh gồm nhiều loại: Bánh phục linh, bánh bột đậu xanh, bánh bột đậu ván, bánh hạt sen trần,… Bánh cộ được sắp dạng tháp, bọc trong giấy gương ngũ sắc, nên bánh còn có tên gọi là bánh ngũ sắc.
9. Bánh ít lá gai
Không chỉ là đặc sản của đất võ Bình Định mà bánh ít lá gai giờ đã trở thành món ngày Tết không thể thiếu của người dân miền Trung. Những ngày này chỉ cần ghé vài phiên chợ quê, bạn sẽ thấy bánh ít lá gai được bày bán khắp nơi, rẻ đến mức bạn mua trăm cái để làm quà cũng chẳng tốn là bao.
Bánh ít lá gai được làm từ lá gai - loại lá đặc trưng ở miền Trung, sau khi để héo vài ngày, đem rửa sạch, luộc chín, để ráo rồi mang đi giã nhuyễn. Bánh thơm vị lá gai, dẻo mịn của nếp mới, hòa lẫn vị ngọt của đường đen và đỗ xanh, thêm ít dừa dai ngon sần sần...
10. Bò kho mật mía
Bò kho mật mía có vị thơm, cay của gừng, quế, ớt và vị giòn, ngọt tự nhiên của bắp bò hòa quyện với vị đậm đà, thơm dịu của mật mía, mặn mặn, ngọt ngọt rất dễ ăn và ngon miệng. Món Bò kho mật mía thường xuất hiện trên mâm cơm tiếp khách của người miền trung vào dịp Tết.
11. Bánh tổ
Bánh tổ là món ăn dùng để thờ tổ tiên ngày Tết của người miền Trung, nhất là xứ Quảng. Chúng được làm từ gạo nếp, đường đen, gừng tươi và hạt mè (vừng), có khuôn bánh được làm bằng tre, lá chuối được rửa sạch, cắt cẩn thận lót vào khuôn, bánh được gói kỹ và dùng tăm tre ghim kín các mép lá. Khi ăn, người ta có thể cắt thành từng miếng dùng ngay hoặc nướng trên bếp than, chiên với dầu phungj rất dậy mùi.
12. Bánh lăn
Là món ăn dân dã, rẻ tiền nhưng lại chẳng thể thiếu trong ngày Tết của một số gia đình ở miền Trung. Thành phần chính là nếp thơm dẻo được chọn từ mùa trước, thêm vào các nguyên liệu như cà chua, quất, cà rốt, bí đao, chuối, gừng, vài ba lát dừa… tất cả được cắt mỏng, rim với đường nhỏ lửa đến khi hỗn hợp đặc lại.
Phần nếp được rang kỹ, xay hoặc giã mịn thành bột, sau đó trộn đều với nước đường cho đến khi dẻo lại. Hòa phần bột nếp với mứt nén thành khối trụ tròn dài, khi ăn cắt thành từng khoanh nhỏ.
13. Giò bò
Miền Bắc, Nam thường dùng giò lợn thì với người miền Trung, giò bò lại là món ăn thường thấy trong ngày Tết. Là món đặc sản của người Đà Nẵng, với mùi vị riêng biệt, giòn dai, có chút cay nồng, chả bò sẽ là món ăn đặc trưng của vùng đất này. Thịt bò xay mịn, đậm đà cả về hương vị lẫn màu sắc, những miếng giò săn chắc dai ngon sẽ góp phần làm cho mâm cơm ngày Tết của gia đình bạn thêm vui vẻ, đầm ấm.
14. Tôm chua
Nếu từng có cơ hội du lịch đến thành phố Huế hẳn bạn đã thưởng thức thử món tôm chua Huế được người dân nơi đây giới thiệu nhiệt tình như một món đặc sản tinh tế và hấp dẫn. Không chỉ vậy, bạn sẽ không thể tìm thấy mâm cỗ Tết của người dân miền Trung nào mà thiếu đi món tôm chua này.
Trong mỗi lọ tôm chua, bạn sẽ nhìn thấy rất nhiều nguyên liệu khác nhau như củ riềng, tỏi, ớt, khế, quả vả cùng một số rau thơm... Sự hấp dẫn của món Tôm chua đến từ vị đậm đà, ngọt bùi và một chút cay chua. Tất cả các hương vị này cùng nhau hoà quyện cho ra một món ăn độc nhất và vô cùng bắt miệng.
15. Gà bóp
Gà luộc là món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết của mỗi miền, chứ chẳng riêng gì miền Trung. Thường sau khi cúng gà sẽ được xé phay, thêm ít hành tây cắt sợi, ít rau răm, chút tiêu, muối bóp đều cho ra dĩa, phần xương thì được nhiều nhà mang đi nấu cháo trắng ngon đến lạ kỳ.
-----------------
Tham khảo tour miền Trung: https://viettourist.com/tours/mien-trung-cid-848.html
VIETTOURIST – KỲ DIỆU TỪ SỰ KHÁC BIỆT!
Tổng đài: 19001868 - 0909886688
Khiếu nại / CSKH: 0908886688
∎ HỒ CHÍ MINH: 93 Lê Quốc Hưng, P.13, Quận 4.
∎Văn phòng HN: 58-60 Nguyễn Trường Tộ - Ba Đình - Hà Nội
#Viettourist #Dulichviettourist #dulichtet2023 #Tourtet2023 #MienTrung #Amthuc #DacSanMientrung #NgayTet #DacSanNgayTet #NgayTetMienTrung #15MonAn #Tet